• Single Content

    8 Cách Vượt Qua Tính Trì Hoãn

    8 CÁCH  VƯỢT QUA TÍNH TRÌ HOÃN

    Bạn có thể làm gì khi học sinh của bạn biết thời hạn chót và những việc cần làm nhưng vẫn tránh né?

    Nhiều giáo viên (và phụ huynh) cho rằng việc nộp bài tập muộn (hoặc có thể hoàn toàn không làm) là do học sinh không quản lý được thời gian. Nếu đây thực sự là nguyên nhân, các thầy cô có thể giới thiệu và sử dụng các công cụ tổ chức trong lớp học của họ, chẳng hạn như lập bảng kế hoạch bài tập về nhà và lịch kỹ thuật số. Nhưng nghiên cứu cho thấy một yếu tố có lẽ quan trọng hơn.

    Người đứng đầu nhóm nghiên cứu về tính trì hoãn Tim Pychyl, phó giáo sư tâm lý tại Đại học Carleton ở Ontario, Canada, đã tiến hành nghiên cứu về sự trì hoãn và xem đó là khoảng cách giữa ý định và hành động. Ông nhận thấy  rằng cảm xúc thường là gốc rễ của tính trì hoãn thay vì khả năng quản lý thời gian. Việc né tránh nhiệm vụ không xuất hiện vì học sinh không biết về nhiệm vụ — học sinh né tránh nhiệm vụ vì cảm giác liên quan đến việc hoàn thành chúng.

    Trì hoãn là sự ‘lệch chuẩn' của cảm xúc. Ta cho rằng trì hoãn sẽ cảm thấy tốt hơn. 

    Cơ sở sinh học lý giải cho điều này là khi ta cảm thấy căng thẳng về một nhiệm vụ, hạch hạnh nhân (trung tâm  điều chỉnh cảm xúc và nhận biết các mối đe dọa của não bộ) phản ứng bằng cách bảo cơ thể tránh tình huống khiến chúng ta lo lắng. Do vậy, sự trì hoãn cung cấp một vòng lặp tích cực và củng cố: nhiệm vụ gây căng thẳng, nhận thức mối nguy, tránh nhiệm vụ căng thẳng và cảm thấy tốt hơn.

    Nhưng đây là một giải pháp ngắn hạn vì nhiệm vụ không mất đi.

    8 CÁCH GIÚP HỌC SINH VƯỢT QUA TÍNH TRÌ HOÃN

    1. Không chỉ trích. Bạn có thể tự hỏi, "Nếu học sinh của tôi không hiểu bắt đầu như thế nào, sao chúng không nhờ tôi giúp?" Học sinh của bạn có thể thừa nhận rằng chúng cần được giúp đỡ nhưng cũng sợ sẽ bị chỉ trích. Nếu học sinh của bạn đủ can đảm để nhờ giúp đỡ — ngay cả khi yêu cầu này cận hoặc kể cả sau hạn chót nộp bài — hãy trả lời một cách kiên nhẫn. Thử nói, "Cô/thầy rất vui vì em đã hỏi!" hoặc “Đó là một câu hỏi hay. Cùng nghĩ về điều đó nhé. "

    2. Tập trung vào từng bước một. Chia nhỏ các nhiệm vụ lớn thành các bước nhỏ. Học sinh của bạn đang trì hoãn tìm kiếm một công việc cho mùa hè? Hãy đề nghị chúng lập danh sách năm nơi các em muốn làm việc. Đề nghị giúp chia nhỏ nhiệm vụ có thể tất cả những gì mà học sinh của bạn cần để nhìn thấy hướng đi.

    3. Sử dụng chế độ hẹn giờ để đặt thời gian nghỉ. Đôi khi những việc chúng ta làm khiến ta trì hoãn nhiều hơn. Chẳng hạnh, kiểm tra email ‘một chút' khiến bạn mất tập trung một lúc lâu. Học sinh có thể sử dụng các công cụ như đồng hồ báo thức trên điện thoại để hẹn thời gian giải lao. Bạn có thể sử dụng cách này trong lớp học bằng cách sử dụng đồng hồ hẹn giờ cho các hoạt động vui chơi để nhắc học sinh khi nào cần quay lại với việc học.

    4. Tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Não bộ của chúng ta thèm dopamine, hormone “hạnh phúc” và thích lặp lại các hành vi khiến chúng ta cảm thấy vui. Viết một bài luận không tạo ra nhiều dopamine trong não của học sinh như chơi điện tử. Nếu học sinh của bạn được thúc đẩy bởi một phần thưởng cụ thể, chẳng hạn như hình dán meme vui nhộn trên bài tập của chúng hoặc kẹo, chúng nên kết hợp hoạt động ‘phần thưởng' với nhiệm vụ mà học sinh đang trì hoãn.

    5. Hiểu bản thân và tâm trạng của bạn. Tất cả chúng ta đều có những khoảng thời gian trong ngày khi ta tỉnh táo nhất. Những học sinh hiểu bản thân và năng lượng của mình có thể lên lịch cho các nhiệm vụ khó khi chúng có sự tập trung nhất. Quyển sách Sharing the Transition to college có các bài tập giúp nâng cao khả năng tự nhận thức của học sinh về điểm mạnh và sở thích học tập của mình. Lên lịch cho những việc phải làm trong những lúc nhiều năng lượng sẽ giúp học sinh làm việc hiệu quả nhất và giảm thiểu cơ hội trì hoãn.

    6. Thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Khi học sinh bắt đầu ‘đứng' cảm xúc vì cảm thấy quá tải, việc này có thể dẫn đến một chu kỳ tiêu cực khi những suy nghĩ tiêu cực trong quá khứ xuất hiện. Học sinh nhìn chằm chằm vào trang giấy trắng có thể đang có những suy nghĩ tiêu cực như “Tại sao mình không thể làm được bài này? Mình thật ngu ngốc ”hoặc“ Mình sẽ rớt môn này, bận tâm làm gì nữa? ”

    Những suy nghĩ tiêu cực có thể giống như một chuyến tàu chạy trốn vốn thường khó dừng lại. Dạy học sinh của bạn thực hành sự tha thứ và từ bi với chính mình. Phải, chúng đã quá hạn nộp bài vì trì hoãn, nhưng cần bước về phía trước.

    7. Tính nhất quán là chìa khóa. Nhiều học sinh đã nói với tôi rằng các em hay trì hoãn vì tập trung vào “sự bùng nổ”. Sau những khoảng thời gian dài trì hoãn thường chúng tìm thấy năng lượng và sự tập trung, thức cả đêm để hoàn thành bài tập. Sự lên xuống này có thể hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng có thể tạo ra những thói quen không hiệu quả lâu dài. Củng cố tính nhất quán trong lớp của bạn bằng cách khuyến khích sự nỗ lực bền vững. Khen thưởng những học sinh vượt qua thử thách (dù là chậm).

    8. Đừng chờ đợi cho đến khi “cảm thấy thích”. Nhiều học sinh trì hoãn vì chúng chờ đợi đến thời điểm thích hợp để bắt đầu. Hãy giải thích cho học sinh của bạn rằng cuộc sống đòi hỏi chúng phải làm những điều mà chúng ta không muốn làm. Đưa ra các ví dụ từ cuộc sống của chính bạn, như nộp thuế, đổ rác, v.v.

    Nếu học sinh của bạn đợi cho đến khi chúng “cảm thấy muốn” làm bài tập môn sinh, chúng có thể không bao giờ có được cảm giác đó. Ta cần dạy học sinh của mình cách nhìn xa hơn cảm xúc của chúng trong thời điểm hiện tại và trấn an rằng các em có thể kiên trì ngay cả khi chúng không cảm thấy thích điều đó.

    Jennifer Sullivan

    Minh An dịch

    Theo https://www.edutopia.org/article/addressing-emotional-roots-procrastination