• Single Content

    Vitamin G

    Vitamin G

    Mọi người đều muốn con cái của họ cảm thấy biết ơn hơn. Vì sao lòng biết ơn lại quan trọng đến vậy?

    Biết ơn là một siêu đức tính. Ý tưởng này có từ thời Cicero, người cho rằng lòng biết ơn không chỉ là một đức tính tuyệt vời mà còn là vua của mọi đức tính khác. Khi bạn cảm thấy biết ơn, bạn trở nên trung thực hơn. Biết ơn làm giảm đáng kể tỷ lệ dối gạt. Khi bạn cảm thấy biết ơn, bạn trở nên hào phóng hơn. Bạn cho đi nhiều hơn. Nó cũng mang lại cho bạn sự kiên nhẫn và bền bỉ hơn. Khi bạn cảm thấy biết ơn, bạn sẽ lưu tâm đến những gì sẽ có trong tương lai hơn. Vì vậy, bạn sẵn sàng bỏ thời gian và nỗ lực hơn tại thời điểm này, ngay cả lúc khó khăn. 

    Không chỉ vậy, khi bạn cảm thấy biết ơn, ‘la bàn đạo đức’ của bạn -  khả năng phán đoán đúng sai trở nên mạnh mẽ hơn. Khi bạn thấy người khác làm sai, bạn đòi hỏi những tiêu chuẩn đạo đức cao hơn. Kỳ vọng của bạn tăng lên.

    Đó có phải là mặt trái của lòng biết ơn không? 

    Không, đó là một điều tốt. Nếu bạn cảm thấy biết ơn và bạn thấy A đối xử tệ với B, nhiều khả năng bạn sẽ can thiệp và cố gắng nói với A rằng "Bạn không nên làm thế." Bạn thấy bạn mình nói điều gì đó không hay hoặc trêu chọc ai đó thì nhiều khả năng bạn sẽ bênh vực người đó. Vì vậy, radar đạo đức của bạn tăng lên.

    Tại sao chúng ta không biết ơn một cách tự nhiên hơn? Nếu lòng biết ơn có nhiều lợi ích như vậy, tại sao chúng ta không biết ơn mọi lúc?

    Một lý do là, xã hội chúng ta đang quá tập trung vào bản thân — vào các mục tiêu riêng của mình và vào việc tiến lên phía trước. Để thực sự biết ơn, bạn phải tập trung vào người khác.

    Chắc chắn mọi người sẽ nói, "Cảm ơn" nếu bạn làm điều gì đó cho họ. Nhưng bày tỏ lời biết ơn một cách nhanh chóng và thực sự dừng lại  để bản thân cảm nhận được cảm xúc biết ơn đó có sự khác nhau.

    Đối với nhiều người, cảm thấy mắc nợ ai đó là một điều tiêu cực. Một số người nghĩ rằng nếu họ phải mở lời nhờ giúp đỡ, họ sẽ cảm thấy mình yếu đuối.

    Nhưng thực ra, suy nghĩ đó là một sai lầm. Theo một nghiên cứu của Sara Algoe, Chris Ovies và các nhà tâm lý học khác, khi ta thấy ai đó bày tỏ lòng biết ơn, ta sẽ cảm thấy họ là một người tốt. Người khác thích chúng ta hơn khi ta làm như thế. 

    Lòng biết ơn khiến chúng ta sẵn sàng hy sinh cho người đó - không chỉ để trả nợ mà còn để trả ơn và giúp đỡ người khác. Không phải kiểu, "Ồ, tuyệt vời, bạn đã cho tôi một món quà, bây giờ tôi phải trả cho bạn một cái gì đó." Không phải kiểu hoàn trả đó, mà là một đền đáp vui vẻ. Khi bạn cảm thấy biết ơn, bạn không chỉ hết mình giúp đỡ người mà bạn biết ơn, mà bạn còn trao tặng cho người khác. Nghĩa là nếu tôi biết ơn bạn và tôi thấy ai đó khác cần giúp đỡ, tôi cũng sẽ giúp họ.

    Khi một đứa trẻ nhận được một món quà từ ông bà, ta luôn nhắc chúng nói lời cảm ơn. Đó có phải là một ý  hay không? Tuỳ thuộc vào cách của bạn. Nếu trẻ cảm thấy xấu hổ vì không làm điều gì đó, chúng muốn né những tình huống ấy vì thấy không thoải mái. Vì vậy, tốt hơn nên nói: “Đây là những gì ông bà tặng cho con, tuyệt vời không con? "

    Điều khiến mọi người cảm thấy biết ơn là biết rằng mọi người đã cố gắng làm điều gì đó cho họ. Vì vậy, hãy biến nó thành một trải nghiệm tích cực thay vì đáng xấu hổ.

    Chúng ta có thể làm gì để giúp trẻ phát triển lòng biết ơn?

    Bạn có thể làm gương cách thể hiện trân quý. Ví dụ một người hàng xóm cho bạn hộp bánh quy. Hãy dành 30 giây để tập trung vào việc hành động tử tế nhỏ này khiến bạn cảm thấy như thế nào. Chia sẻ với con bạn cảm xúc khi dừng lại và hoàn toàn chú tâm đến cảm xúc biết ơn đó . “Wow, thật là tử tế, hàng xóm của chúng ta thật chu đáo và quan tâm! ” Cuối cùng, việc thể hiện những khoảnh khắc biết ơn trong ngày trở thành một thói quen.

    Cũng giống như thuốc có thể cần dùng nhiều liều, điều này sẽ giúp cảm xúc biết ơn tồn tại trong cơ thể bạn. Bởi vì khi bạn cảm nhận được nó, đó là lúc nó ảnh hưởng đến hành vi của bạn nhiều nhất.

    Biết ơn giống như một loại vitamin phẩm chất. Nó củng cố nhiều đức tính khác, không chỉ bản thân lòng biết ơn.

    David DeSteno - giáo sư tâm lý học ở Đại học Northeastern, tác giả của quyển sách Emotional Success: The Power of Gratitude, Compassion, and Pride

    Minh An dịch